Ngay sau khi trở thành tân thủ tướng, vào ngày 9/4/2016 ông Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc tiếp xúc đáng chú ý với bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Cuộc gặp Victoria Kwakwa - Nguyễn Xuân Phúc |
Nội dung đáng quan tâm nhất trong cuộc gặp trên không phải là những câu xã giao tràng giang của Thủ tướng Phúc, mà lại từ chính WB. Victoria Kwakwa nêu ra 3 khuyến nghị của WB đối với Chính phủ Việt Nam: Ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường năng lực của Chính phủ và phòng chống tham nhũng.
Chi tiết đáng chú ý là ngay trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức “bị loại khỏi vòng chiến đấu” tại kỳ họp thứ 11 quốc hội Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cũng đến “chào từ biệt” ông Dũng. Tuy nhiên trong cuộc gặp với ông Dũng, Victoria Kwakwa đã không hề nêu ra một khuyến nghị nào. Dường như tất cả được để dành để nói với thủ tướng mới của chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cả 3 khuyến nghị của WB đều ít nhiều liên đới yếu tố cải cách và tính chính trị. Biến đổi khí hậu không còn là một thảm họa xa xôi ở nơi nào đó trên thế giới, mà vừa ập lên Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Nguồn cơn hạn và nhiễm mặn lại một phần bị gây ra do tình trạng các đập thủy điện đầu nguồn của Trung Quốc.
Cũng đã từ lâu, các định chế tài chính quốc tế như WB và IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) đã luôn thúc đẩy Việt Nam phải cải cách kinh tế theo hướng giải phóng sức sản xuất của kinh tế tư nhân và coi thành phần kinh tế tư nhân ngang bằng với kinh tế quốc doanh. Tuy nhiên Việt Nam gần như chưa làm được điều này, trừ kinh tế tư nhân của các nhóm lợi ích.
Khuyến nghị cuối cùng của WB là khó chịu nhất. Từ vài chục năm qua, không chỉ WB mà Liên minh châu Âu đã cung cấp cho chính thể Việt Nam hàng tỷ USD để “nâng cao năng lực thể chế”, trong đó có phòng chống tham nhũng. Nhưng hậu quả mà chính những tổ chức tài chính này phải chứng kiến là tiền bạc của họ đã đổ sông đổ bể: càng “nâng cao” lại càng tham nhũng.
Chắc chắn đó là nguồn cơn khiến ngay cả WB - tổ chức khá thường có những báo cáo giúp Việt Nam tô hồng những thành tựu kinh tế, đã trở nên thất vọng đến mức phải siết lại các nguồn cho vay ưu đãi.
Tháng 12/2015, đại diện của WB bất ngờ tuyên bố: WB dừng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam.
Vào giữa tháng 3/2016, bà Christine Lagarde - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - đã đến làm việc tại Việt Nam. Tương tự kết quả chuyến làm việc tại Việt Nam Chủ tịch nhóm Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim vào tháng 2/2016, IMF đã không hứa hẹn bất cứ khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Hà Nội, dù cả chủ tịch nhóm Ngân hàng thế giới và Tổng giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế đều được những nhân vật cao nhất Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp mặn nồng.
Sau đó, đến lượt Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) cũng tuyên bố chấm dứt các khoản cho vay ưu đãi đối với Việt Nam.
Liên tiếp những cú giáng tài chính từ các tổ chức quốc tế đang khiến chính phủ mới và đảng cũ ở Việt Nam lao đao. Không những không có khoản cho vay mới, IMF còn khuyến cáo: “Việt Nam cần cuộc cải cách thứ hai”.
Trong bối cảnh trên và ngân sách Việt Nam gần như cạn kiệt, hẳn những khuyến nghị mà bà Victoria Kwakwa nêu ra với Thủ tướng Phúc mang nhiều ẩn ý quyết liệt.
Một trong những ẩn ý lộ diện quyết liệt nhất có thể được hiểu: không cải cách sẽ không được vay tiền!
Lê Dung
(SBTN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét