Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Xử lý nợ xấu kiểu Trung Quốc: Ngân hàng bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm?

Theo nguồn tin của tờ Caixin, chính phủ Trung Quốc có thể thông qua kế hoạch cho các ngân hàng đổi nợ xấu thành cổ phần của chính công ty vay nợ.
Đề xuất hoán đổi nợ xấu này đã được đệ trình từ ngày 25/3/2016 nhưng chưa được chính thức thông qua.
Chương trình này vốn được soạn thảo dựa trên một kế hoạch khá tương tự vào khoảng năm 1994-2004 khi Trung Quốc mua lại nợ xấu của các ngân hàng đồng thời chuyển đổi 405 tỷ Nhân dân tệ nợ xấu quá hạn cho các doanh nghiệp thành cổ phần.
Nhiều khả năng chính quyền Bắc Kinh sẽ cho phép chuyển đổi khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (155 tỷ USD) nợ xấu thành cổ phần trong đợt đầu và sẽ cần tiêu tốn khoảng 3 năm để tất cả các khoản nợ xấu hiện nay được giải quyết.
Tờ Caixin đưa tin rằng một số ngân hàng lớn, hầu hết là ngân hàng quốc doanh như CDB, BoC, ICBC, CMB sẽ được chọn để thực hiện thí điểm chương trình chuyển đổi trên. Trong khi đó, nhiều khả năng các ngân hàng nhỏ sẽ không được tham gia do không đủ khả năng kiểm soát biến động giá trị tài sản.
Nếu thông tin trên là chính xác, động thái này của chính phủ Trung Quốc được cho là sẽ làm giảm 1 điểm phần trăm tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng và nâng mức lợi nhuận ròng bình quân của ngành này lên thêm 4%.
Trong tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố kế hoạch đổi nợ lấy cổ phần sẽ làm giảm tỷ lệ nợ trong các tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời hạ tỷ lệ rủi ro trong hệ thống tài chính quốc gia.
Hãng Huatai Securities nhận định có thể tiến trình chuyển đổi nợ xấu thành cổ phần này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn dự kiến trước tình hình nghiêm trọng của nền kinh tế cũng như hệ thống tài chính nước này.


Nợ như Chúa Chổm
Hiện các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang đau đầu giải quyết khối nợ khổng lồ của nước này, vốn đang ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua trong khi nền kinh tế đất nước lại đang giảm tốc.
Tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng Trung Quốc đã tăng 51% trong năm 2015 lên 1,27 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Tính đến tháng 2/2016, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đã tăng 35% so với cùng kỳ lên 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng Trung Quốc (Tỷ Nhân dân tệ)
Tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng Trung Quốc (Tỷ Nhân dân tệ)
Các khoản trích lập dự phòng nợ xấu của ngân hàng đã làm xói mòn tăng trưởng lợi nhuận cũng như ảnh hưởng đến khả năng chi trả cổ tức.
Những ngân hàng lớn tại Trung Quốc như Ngân hàng Công thương (ICBC) hay Ngân hàng Nông nghiệp (ABC) hoặc Ngân hàng BoC đều có báo cáo tăng trưởng lợi nhuận hàng năm thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức, doanh nghiệp phi tài chính tại Trung Quốc đã vượt 160% GDP tính đến tháng 5/2015 và đạt 200% GDP tính đến tháng 2/2016.

Tỷ lệ nợ xấu của tổ chức phi tài chính Trung Quốc (%GDP)
Tỷ lệ nợ xấu của tổ chức phi tài chính Trung Quốc (%GDP)
Với dân số hơn 1,3 tỷ người như hiện nay và tổng nợ, bao gồm cả nợ công, đạt gần 35 nghìn tỷ Nhân dân tệ, bình quân mỗi người dân Trung Quốc phải gánh khoản nợ 25.739 Nhân dân tệ.
Thêm vào đó, một số ngân hàng tỏ thái độ khá thận trọng trong kế hoạch hoán đổi này của chính quyền Bắc Kinh khi vẫn chưa rõ chính phủ sẽ tiến hành như thế nào và mức độ hỗ trợ cho các ngân hàng ra sao.
Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (CB), ông Wang Hongzhang nhận đinh rằng sẽ khó để đánh giá hiệu quả của kế hoạch chuyển đổi nợ xấu trên, dù chính quyền Bắc Kinh đã từng thực hiện một chính sách khá tương tự nhằm cứu hệ thống ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính 1998.
Khi đó, chính phủ Trung Quốc đã mua lại 1,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ nợ xấu của các ngân hàng thông qua 4 quỹ quản lý tài sản nhà nước (AMC) nhằm bảo đảm lợi ích của chủ nợ cũng như các ngân hàng. Khoảng 30% nợ xấu khi đó đã được chuyển đổi thành cổ phiếu sở hữu bởi nhà nước.
Tình hình đổi khác
Việc Trung Quốc muốn thực hiện lại kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng và hệ thống tài chính như đã thực hiện trong cuối thập niên 90 là điều dễ hiểu khi chính sách này đã thu được một số thành công nhất định.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay phức tạp hơn so với thời kỳ đó.
Kể từ năm 2004 đến nay, các ngân hàng Trung Quốc đã buộc phải bán các khoản nợ xấu cho 4 quỹ AMC với mức giá ưu đãi nhằm giải quyết nợ xấu và kích thích vay vốn tiêu dùng cũng như đầu tư.
Dẫu vậy, tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc thời gian qua tiếp tục tăng mạnh lên mức kỷ lục đã khiến các AMC tỏ ra nao núng khi mua lại các khoản nợ xấu này.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn cũng đang phải vật lộn với nhiều khó khăn khi chi phí nhân công tăng lên còn thị phần bị giảm sút. Những biến động mạnh trên thị trường tài chính Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư và khách hàng ngân hàng mất niềm tin vào hệ thống tài chính.

Mức tăng trưởng kinh tế, vốn là niềm tự hào của Trung Quốc hiện cũng không còn có thể duy trì trên 10% như cách đây một thập niên.
Thêm vào đó, nhiều ngân hàng lo ngại việc chuyển đổi trên sẽ khiến giá trị cổ phiếu được chuyển đổi giảm sút, qua đó khiến các ngân hàng chịu thiệt. Hơn nữa, một số ngân hàng lo ngại dù chuyển đổi được nợ xấu sang cổ phiếu nhưng tính thanh khoản của loại tài sản này có thể vô cùng thấp.
Hãng China Insight Group nhận định kế hoạch trên của chính quyền Bắc Kinh nếu thực hiện thành công có thể thúc đẩy tiến trình cải cách của nền kinh tế, nhưng nếu không có sự giám sát và thực hiện chặt chẽ, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng sẽ còn biến động nhiều hơn.
Kế hoạch đầy nghi vấn
Trong cuộc giải cứu năm 1998, nhiều chuyên gia nhận định chính quyền Bắc Kinh thực tế là dùng tiền thuế của người dân để cứu các tập đoàn quốc doanh hoạt động không hiệu quả khi sử dụng ngân sách.
Đối với kế hoạch lần này, các chuyên gia lại cho rằng hiệu quả có thể sẽ không cao khi kế hoạch trên chỉ đơn giản đẩy trách nhiệm giải quyết nợ xấu từ công ty sang ngân hàng.
Trước đây các doanh nghiệp phải vật lộn để thanh toán các khoản nợ quá hạn cho ngân hàng thì nay chính ngân hàng sẽ phải đau đầu xem giúp đỡ thế nào để tài sản của mình, dưới danh nghĩa cổ phần công ty, không bị mất giá.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng khả năng kiểm soát kém và quản lý lỏng lẻo có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quốc doanh, những con nợ chính của ngân hàng trục lợi.
Mặc dù các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không để các tập đoàn “xác sống”, ám chỉ những doanh nghiệp quốc doanh kém hiệu quả tham gia chương trình này nhưng nhà đầu tư vẫn lo ngại khi khái niệm “kém hiệu quả” không được định nghĩa rõ ràng.
Các ngân hàng Trung Quốc rõ ràng không thoải mái với kế hoạch trên khi họ buộc phải nhận trách nhiệm cứu giúp các doanh nghiệp. Dẫu vậy ngành ngân hàng không còn lựa chọn khi nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và họ sẽ mất trắng các khoản nợ nếu công ty vay nợ phá sản.
Hoàng Nam
Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét