Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Từ bài học kinh tế đã qua nhìn về tương lai: Tám vấn đề cần được giải quyết

Từ bài học kinh tế đã qua nhìn về tương lai: Tám vấn đề cần được giải quyết


Vũ Quang Việt (*)
TBKTSG) – Như đã phân tích ở bài trước, chính sách phát triển lấy quốc doanh làm chủ đạo đã không mang lại những kết quả như mong muốn mà còn đưa đến nhiều hệ lụy khác về mặt kinh tế. Vậy phải làm gì để hóa giải?
Đầu tư quá sức để dành đưa đến tăng nợ nước ngoài
Nhìn chung, ta thấy dân chúng Việt Nam có tỷ lệ để dành khá cao so với nhiều nước khác (thường ở mức 30% GDP hay hơn), nhưng vẫn không đủ để đáp ứng với mức đầu tư quá đà cho tập đoàn kinh tế nhà nước để GDP tăng với tốc độ cao. Có năm như năm 2007 đầu tư lên tới 40% GDP. Đầu tư như thế tạo ra thất thoát, chỉ vỗ béo cho hệ thống tham nhũng, chứ không tăng được GDP tương ứng (xem biểu đồ 1).


Khi để dành không vượt đầu tư, nền kinh tế phải vay mượn nước ngoài và đây là chuyện bình thường trong phát triển, nhưng rất tiếc tăng nợ đã không tương xứng với tăng phát triển, không tạo được sức đẩy năng suất, một phần vì quyết định chọn lựa dự án đầu tư sai lầm (Vinashin, Vinalines, bauxite, luyện thép…), một phần vì tham nhũng. Nợ nước ngoài tăng mạnh từ 18,6 tỉ đô la Mỹ năm 2006 lên 72 tỉ đô la năm 2014, tức là tăng 3,9 lần, trong khi đó GDP chỉ tăng 2,8 lần. Hay nói cách khác, chủ trương tăng trưởng quá sức không những không đạt được mà còn đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Tăng nợ công và tổng nợ của toàn nền kinh tế tăng
Việc áp dụng phân quyền triệt để là điều kiện để hạn chế biên chế nhà nước và chi ngân sách ngày càng phình ra không kiểm soát được.
Nợ công tăng mạnh là kết quả của chính sách quả đấm thép, lấy quốc doanh làm chủ đạo vì cần tiêu ngân sách và vay mượn trong và ngoài nước để tài trợ. Thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, hiện nay ở mức 4-5% GDP theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – nếu đo bằng dự toán thu chi (xem biểu đồ 2).
Tuy nhiên, nếu dựa vào thực chi – thực thu (chỉ có được sau 2-3 năm) thì con số thiếu hụt này lên tới ít nhất 6-6,5% GDP (dựa vào số liệu mà tôi đã kiểm tra, so sánh dự toán và kết toán thì thường kết toán cao hơn dự toán là 30-40%). Do ngân sách thiếu hụt lớn để tài trợ quả đấm thép mà nợ công ngày càng tăng cao.
Nợ công cuối năm 2014 bằng 90,8 tỉ đô la Mỹ, tức khoảng 53% GDP, trong đó 45 tỉ đô la là nợ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu kể cả nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì nợ công bằng 144 tỉ đô la, tức 84% GDP. Nhìn vào tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp trong nước (xem bảng 3) thấp hơn lãi suất tiền gửi trên 10% năm 2009 và 7,6% năm 2013, vốn thà bỏ vào ngân hàng còn lợi hơn đem đầu tư.
Để đánh giá sức khỏe nền kinh tế, cần biết thêm nợ của cả nền kinh tế, chứ không thể chỉ xem xét nợ công. Theo tôi tính và đã công bố trên TBKTSG, nợ của toàn bộ nền kinh tế, kể cả nợ công và tư, vào cuối năm 2014 bằng 303 tỉ đô la Mỹ, lên đến trên 164% GDP. Ở Việt Nam, tăng GDP chỉ khoảng 6-7% nhưng nợ tới 164% GDP mà lãi suất ở mức 6-7% cũng không đủ trả nợ. Thu nhập từ phát triển như thế chủ yếu rơi vào túi tầng lớp có vốn cho vay.
Khi nợ nhiều, lãi suất cao thì tất nhiên rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đắn đo trong việc đầu tư mới. Một số doanh nghiệp tư hoặc là công ty con của DNNN chạy theo vay vốn cũng đã rơi vào nợ nần cao.
Lạm phát cao và tư duy đầu cơ làm tăng nguy cơ nợ và nợ xấu
Lạm phát ở mức cao vài chục phần trăm thường đẩy nền kinh tế vào tình trạng đầu cơ về đất đai, chứng khoán, vàng và ngoại tệ. Người vay để trả nợ sẽ có lợi thế vì giá trị thật của món tiền vay giảm nếu giá cả và giá tài sản tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nếu giá tài sản xoay chiều, giảm thì lại mang đến nguy cơ phá sản vì không trả được nợ.
Ở đây chỉ nhắc qua là VN-Index tăng từ 304 đầu năm 2006 lên mức 1.170 tháng 3-2007, sau đó tụt xuống 241 vào tháng 3-2009, và hiện nay 544 (tháng 2-2016). Điều này cho thấy tình hình đầu cơ vào những năm 2006-2007 và khủng hoảng sau đó. Tình trạng giá đất cũng tương tự, đưa đến tài sản không bán được, nợ và nợ xấu.
Vì nhiều cá nhân và doanh nghiệp nợ cao và không trả được, nợ xấu ngân hàng tất phải tăng cao, có lúc được các nhà phân tích nước ngoài ở Việt Nam cho rằng lên cao hơn 13%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây tuyên bố nợ xấu ngân hàng đã giảm xuống dưới 3% (một ngưỡng mà các nhà kinh tế coi là ngân hàng có vấn đề khi đánh giá ngân hàng). Có hai lý do cho việc giảm này: báo cáo không đúng sự thật, hoặc nợ xấu đã được Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) mua với giá zero, tức là nhận về những khoản nợ xấu này (ít nhất trong khoảng năm năm).
Chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo và xây dựng tập đoàn nhà nước làm quả đấm thép đã đưa nền kinh tế đến tình trạng trên. Chính sách này bị phê phán nên được hãm phanh một thời gian ngắn. Nhưng sau đó, với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ vào năm 2008, chính quyền Việt Nam lại nhân cơ hội, đưa ra chính sách kích cầu, vì cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam đình đốn là do khủng hoảng toàn cầu, mà không nhận chân là khủng hoảng trong nền kinh tế là do chính sách nội địa, xây dựng các tập đoàn quốc doanh và lấy chúng làm chủ đạo.
Nhìn về phía trước
Những bài học trên đòi hỏi chính phủ Việt Nam sắp tới phải xem xét áp dụng những vấn đề sau:
1. Đặt nhiệm vụ của chính quyền là tạo bình đẳng trong hoạt động kinh tế, giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân, tạo ổn định trên thị trường, nhất là giá cả, và đó phải là nhiệm vụ cơ bản của chính sách tiền tệ của NHNN. Nếu lạm phát không thấp thì việc trả nợ sẽ rất khó khăn với tình hình nợ cao như hiện nay, nhưng đây không phải là lý do tạo lạm phát, đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
2. Khi Hiến pháp 2013 viết với điều 51 là “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không có nghĩa là “doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo”. Hoàn toàn có thể diễn giải “kinh tế nhà nước là chủ đạo” theo nghĩa vai trò điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, chi tiêu ngân sách và các chính sách kinh tế của nhà nước.
3. Nếu muốn ổn định giá cả, cần xem xét lại ý nghĩa nghị quyết của Đại hội XII về việc cho phép thiếu hụt ngân sách khoảng 4% GDP. Tỷ lệ thiếu hụt ngân sách trên GDP này là vượt mức tập quán thế giới cho phép 3% nếu như không có khủng hoảng. Trước tình hình nợ công rất cao hiện nay, việc cho phép một tỷ lệ thiếu hụt như trên là khó chấp nhận.
Ngoài ra, cần biết rõ chỉ tiêu trên là dựa vào dự toán chứ không phải kết toán. Nếu là kết toán thì tỷ lệ có thể sẽ cao hơn 30-40% như thường xảy ra cho đến hiện nay, tức là ít nhất sẽ lên đến 5,2%. Bơm tiền để tài trợ chi tiêu cho Nhà nước sẽ làm tăng lạm phát. Một trong những lý do mà Quốc hội không kiểm soát được ngân sách là việc tóm tổng hợp ngân sách trung ương và địa phương. Quốc hội có trách nhiệm thông qua và kiểm soát ngân sách trung ương và hội đồng nhân dân các tỉnh và thành phố có trách nhiệm với ngân sách địa phương. Luật ngân sách cũng đã phân quyền các khoản tự thu, tự chi và các khoản phải thu, phải chi có phân chia giữa trung ương và địa phương (theo các tiêu chí kinh tế – xã hội khách quan đã được định trước), cho nên việc áp dụng phân quyền triệt để là điều kiện để hạn chế biên chế nhà nước và chi ngân sách ngày càng phình ra không kiểm soát được.
Ít có nước nào có thu nhập thấp như Việt Nam lại chi ngân sách lên đến 27% GDP – số dự toán trung bình trong chín năm qua – như Việt Nam (và con số thật có thể bằng ít nhất 35% GDP).
4. Xem xét lại chính sách lấy DNNN làm chủ đạo, ít nhất là chấm dứt việc lập doanh nghiệp mới, cấm các DNNN tự quyết lập công ty con (quyết định lập doanh nghiệp mới hay công ty con phải do Quốc hội quyết định), chấm dứt ưu đãi về vay vốn cho DNNN.
5. Khuyến khích việc lập doanh nghiệp tư nhân (công ty đăng ký theo Luật Doanh nghiệp) là cơ sở cho phương pháp quản lý và công nghệ tiên tiến.
6. Chính sách của nhà nước là phải khuyến khích sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân, đồng thời có thể hỗ trợ bằng cách xác định các công nghệ cơ bản mà các ngành sản xuất phải làm chủ được, thay đổi hệ thống giáo dục nghề để thực hiện được mục đích trên. Cũng cần đòi hỏi DNNN phải có biện pháp nhận chuyển giao công nghệ khi làm ăn chung với nước ngoài. Cho đến nay có thể nói là Việt Nam không có chính sách về công nghệ (điều này khác hẳn việc có dự án đầu tư), thí dụ xây cầu là hoạt động của dự án xây dựng, nhưng nắm được toàn bộ kỹ thuật xây cầu tiên tiến là công nghệ. Nếu không nắm được công nghệ thì Việt Nam sẽ phải mãi mãi dựa vào thầu Trung Quốc.
7. Cổ phần hóa DNNN phải làm thận trọng, có đánh giá của chuyên gia độc lập (có thể có hai đánh giá: của chính phủ và của Quốc hội, dựa vào đánh giá sơ khởi của công ty); việc bán vốn nhà nước phải được quảng bá rộng rãi trên báo chí. Hướng chính là giảm tỷ trọng sở hữu của nhà nước trong doanh nghiệp về tài sản.
8. Sửa lại Luật các tổ chức tín dụng, xóa bỏ quyền một doanh nghiệp phi tài chính được sở hữu ngân hàng và công ty chứng khoán và ngược lại.
(*) Nguyên chuyên viên kinh tế của Liên hiệp quốc
Nguồn tài liệu:
1. ADB, Key Indicators for Asia and the Pacific 2015.
2. UN, National Accounts Main Aggregate Database.
3. Tổng cục Thống kê, Điều tra doanh nghiệp năm 2013. Số liệu của điều tra năm 2012 không thể kết hợp được với số liệu mới này vì cùng một năm 2012, số liệu ghi trong kết quả điều tra mới của tất cả loại doanh nghiệp điều chỉnh cao hơn từ 1 đến 5% nhưng số liệu về số doanh nghiệp, vốn, và doanh thu DNNN lại bị điều chỉnh thấp đi khoảng 2-5% nhưng lợi nhuận lại được điều chỉnh cao hơn gần 7%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét