Tiền giả mà công an Việt Nam thu được trong vụ bắt giữ ông Đỗ Viết Thủy hồi tháng 8 năm 2013. (Hình: Dân Trí)
Theo Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, từ giữa năm 2015 đến nay, số lượng tiền giả thu hồi được đã tăng đột biến.
Trong thông báo liên quan đến tiền giả, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho biết, các nhân viên ngân hàng, ngân khố có thể dễ dàng phát giác tiền giả khi kiểm tra những yếu tố bảo an trên tờ bạc (hình chìm, mực đổi màu,...). Tuy nhiên vì đa số công chúng không đủ hiểu biết về các đặc điểm bảo an của tờ bạc nên vẫn dễ nhận nhầm tiền giả.
Cũng vì vậy, cơ quan này khuyến cáo công chúng nên dành thời gian tìm hiểu về cách nhận biết các đặc điểm bảo an trên tờ bạc, kiểm tra kỹ những tờ bạc mà họ nhận từ các giao dịch hàng ngày.
Thông báo vừa kể khiến người ta nhớ tới một sự kiện vừa xảy ra cách nay vài tháng. Hồi đầu năm nay, trên Internet xuất hiện một số trang Facebook, quảng cáo rôm rả cho dịch vụ “đổi tiền thật lấy tiền giả.”
Những Facebooker lập ra các trang Facebook này liên tục chào mời người sử dụng Internet tại Việt Nam đổi một triệu đồng tiền thật lấy năm triệu đồng tiền giả. Họ khẳng định, các tờ bạc giả có mệnh giá 100,000 đồng, 200,000 đồng và 500,000 đồng mà họ có, giống hệt tiền thật nên có thể sử dụng thoải mái mà không sợ bị phát giác.
Dùng tiền giả do những Facebooker nhận “đổi tiền thật lấy tiền giả” cung cấp chỉ có một điều bất tiện và được cảnh báo trước là không nên dùng cùng một lúc nhiều tờ, do số thứ tự của chúng giống hệt nhau.
Lúc ấy, một viên tướng công an nhận định, không ai có thể sản xuất tiền giả như thật, “đổi tiền thật lấy tiền giả” chỉ là một trò lừa đảo. Chắc chắn kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt khoản đặt cọc được yêu cầu là phải tương đương một phần ba giá trị trao đổi.
Tiền giả vốn là một vấn nạn dai dẳng đối với an ninh kinh tế của Việt Nam. Có một thực tế mà Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam tránh đề cập đó là trước nay, toàn bộ tiền giả mà công an Việt Nam thu giữ từ các vụ vận chuyển, mua bán tiền giả đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Chẳng hạn hồi tháng 8 năm 2013, công an tỉnh Lạng Sơn loan báo đã bắt ông Đỗ Viết Thủy, 39 tuổi, ngụ tại Hải Dương, sau khi phát giác ông Thủy đang tìm cách đưa 200 triệu bạc giả, loại có mệnh giá 200,000 đồng từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Ông Thủy đã dùng băng keo bó toàn bộ số bạc giả đó quanh người. Theo lời ông Thủy thì ông được thuê vận chuyển số bạc giả đó với mức thù lao chỉ có hai triệu đồng.
Trước đó chỉ chừng ba tuần, hồi tháng 7 năm 2013, công an Việt Nam từng bắt một thanh niên tên là Nguyễn Mạnh Tuấn, 32 tuổi, ngụ tại Hà Nội, vận chuyển 11 ngàn đô la, giả loại giấy bạc 100 đô la và 68 triệu đồng, giả các loại giấy bạc 500 ngàn đồng, 200 ngàn đồng, cũng từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Vào thời điểm đó, công an Việt Nam từng lên tiếng báo động về dòng tiền giả, bao gồm cả ngoại tệ giả lẫn tiền đồng giả đang ồ ạt chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam. Tổng số tiền giả mà công an Việt Nam đã thu giữ trong thời điểm đó lên tới cả tỷ đồng. (G.Đ)
Báo Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét