Một trong những điều khoản khi Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA vào năm 2017 là các khoản vay hiện nay sẽ phải rút ngắn thời gian trả nợ hoặc chịu trả mức lãi suất cao hơn so với cam kết trước đây.
Đó là thông tin được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính quốc tế (Bộ Tài chính) đưa ra tại buổi Họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA sáng ngày 22/3 tại Hà Nội.
Theo đó, từ năm 2010 Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Do đó, mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt.
Dẫn chứng là giai đoạn trước 2010, thời hạn vay bình quân khoảng 30 – 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7 – 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn.
Nhưng giai đoạn 2011 – 2015 thì thời gian vay bình quân chỉ còn từ 10 – 20 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ chuyển từ vốn vay ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.
“Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% – 3,5%” – ông Long thông tin.
Đại diện của Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, khoản vay có thời gian dài nhất hiện nay của Việt Nam là đến năm 2055. Với yêu cầu đặt ra khi kết thúc IDA là phải trả nợ nhanh thì, bình quân thời gian vay nợ là 12,5 năm cho các khoản nợ công.
Ông Hùng Long phân tích thêm: “Khi tính toán dòng tiền và từng khoản nợ hiện nay của Việt Nam, thời điểm phải trả nhiều nhất sẽ vào năm 2022 – 2025, có nghĩa là từ nay đến 2020 chưa phải trả nhiều”.
Với điều khoản phải trả nợ nhanh và tăng lãi suất, có thể tác động gây “sốc” cho ngân sách trong việc thu xếp các khoản nợ trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp cùng các liên quan để có chương trình làm việc, đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB), sau đó là các tổ chức khác. Được biết, WB cũng cam kết với Việt Nam đưa ra phương án để đảm bảo tránh tác động đến nghĩa vụ nợ của Việt Nam.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của chúng tôi về con số nợ công phải trả cho đến thời điểm 2020 là bao nhiêu, ông Long cho biết tại thời điểm hiện nay rất khó để khẳng định con số thực tế. Bởi các cơ quan chức năng đang trong quá trình đàm phán, cùng WB để đưa ra lộ trình cho các phương án trả nợ nhanh.
“Hiện đàm phán này chưa đến hồi kết, mỗi phương án đặt ra cách thức trả nợ và tốc độ trả nợ khác nhau, điều kiện khác nhau, hoặc là giãn thời gian, hoặc tăng chi phí. WB hiện chiếm tới gần 30% khoản vốn vay, nếu đàm phán có lộ trình tốt thì đàm phán với các đối tác khác cũng sẽ thuận lợi hơn” – Ông Hùng Long nói.
Cũng theo thông tin được Bộ Tài chính công bố, con số trả nợ trong năm 2015 chiếm khoản 16% tổng thu ngân sách. Trong năm 2016 con số trả nợ được báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ được tính toán dựa trên kịch bản quản lý nợ, khoản nợ đến hạn và tình hình kinh tế hiện nay.
Theo đó, các khoản phải trả nợ và đảo nợ chiếm hơn 24% trên tổng chi ngân sách, riêng trả nợ là 14,7% tức là tương đương trên 150 nghìn tỷ đồng. Còn lại khoản đảo nợ là 95.000 tỷ đồng.
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006-2010.
Trong đó chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần, chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần. Chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ lớn và ngày càng tăng cao, hiện ở mức 64 – 65% trong khi chi đầu tư giảm còn khoảng 23,6%.
Việc chi thường xuyên tăng nhanh; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ thì nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%); sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Thành viên Chính phủ cũng xác nhận rằng thu hiện nay không đủ bù chi thường xuyên và trả nợ. Nợ Chính phủ vượt trần, thu không đủ chi thường xuyên và trả nợ.
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét