Một khi Việt Nam bị vỡ nợ, hệ lụy của nó vô cùng nặng nề với nền kinh tế, không chỉ dăm ba năm mà tới vài chục năm sau.
Vay nhiều, khả năng trả nợ mỏng manh
Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội 2015 của Chính phủ tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII có nêu rõ, nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, năm 2015, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dự kiến chiếm khoảng 16,1% so với tổng thu ngân sách. Trong năm 2016, ước tính số nợ phải trả chiếm 14,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Nếu tính gộp tất cả các nghĩa vụ, bao gồm cả số đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng lên 24% tổng thu ngân sách.
Cũng theo Bộ Tài chính, áp lực trả nợ của Việt Nam sẽ thực sự rơi vào giai đoạn 2022-2025 khi các khoản vay ODA chủ yếu đều đến hạn.
“Nhiều người cho rằng được vay đã là tốt, vay được càng nhiều thì càng tốt. Xét về mặt kinh tế đúng là như vậy, vay được nhiều không dễ dàng gì và người cho vay phải nhìn mặt để xem xét khả năng trả nợ của người đi vay. Hơn nữa, nếu khoản vay được đầu tư tốt sẽ tạo ra được nền tảng cơ sở vật chất tốt cho sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra năng suất lao động cao, tốc độ tăng trưởng lớn và đem lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế trong tương lai.Chia sẻ với áp lực trả nợ ngày càng lớn của Chính phủ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) thừa nhận, hiện nay nợ Chính phủ đã đến ngưỡng nguy hiểm, đặc biệt là vay nợ nước ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam đã vay rất nhiều, đặc biệt trong những năm gần đây. Điều đó dẫn đến nợ vay của Việt Nam, nhất là vay nước ngoài đã vượt ngưỡng khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi điều kiện, khả năng trả nợ của Việt nam vô cùng mỏng manh.
Trước đây, Việt Nam không phải trả nợ nhiều do vay nợ nước ngoài của Việt Nam có tới 70-80% là vay ODA. Vài năm gần đây, hình thức vay tín dụng thương mại mới nhiều hơn một chút. Vay ODA có thời gian trả nợ tương đối dài, lãi suất thấp và thường có một khoảng thời gian ân hạn để Việt Nam chỉ trả lãi mà chưa phải trả nợ như vay thương mại.
Tuy nhiên, đến nay thời gian ân hạn của tất cả các khoản vay ODA gần như đã hết, Việt Nam đã đến thời điểm phải trả nợ nước ngoài rất nhiều. Từ khoảng năm 2012 nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam tăng lên do các dự án ODA hết thời gian ân hạn và Việt Nam phải trả cả nợ gốc lẫn lãi vay. Điều đó khiến nợ vay trong thời gian gần đây ngày càng tăng lên”.
Lý giải áp lực trả nợ của Việt Nam ngày càng lớn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc vay nợ của Chính phủ và đầu tư công có liên quan chặt chẽ với nhau. Thực tế cho thấy, đầu tư công của Việt Nam trong thời gian qua chưa hiệu quả. Rất nhiều khoản đầu tư được dùng để xây dựng trụ sở cơ quan hành chính và các công trình khác mà không phát huy hiệu quả cao với nền kinh tế. Điều này cho thấy có thể Việt Nam đã sai từ định hướng đầu tư công đến hoạch định việc sử dụng nguồn lực của ngân sách nhà nước, sử dụng nợ vay nước ngoài.
Mặt khác, thời gian qua kinh tế Việt Nam phải đối diện với nhiều vấn đề, trong đó gặp trở ngại nhất định khi nền kinh tế thế giới sụt giảm và có khủng hoảng. Việt Nam cần một lượng vốn để đối phó với tình hình này.
Chi tiêu ngân sách, đặc biệt chi tiêu thường xuyên của Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh. Việc thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu bộ máy cồng kềnh của Nhà nước dù nói nhiều nhưng hiệu quả thực thi rất thấp. Ngay như trường hợp của Hà Nội, để tinh giản 20 biên chế đã phải chi ra khoản tiền lớn gần 2 tỷ đồng.
Ông Thịnh khẳng định, đã đến lúc phải kiên quyết để giảm bộ máy cồng kềnh, tăng lương cho bộ phận làm việc hiệu quả, giảm thiểu chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước, từ đó cân bằng được ngân sách, giảm vay nước ngoài.
Theo vị chuyên gia, với áp lực trả nợ ngày càng lớn, nếu Việt Nam không trả được nợ công, không thực hiện tiết kiệm chi tiêu, không đầu tư có trọng tâm, hiệu quả vào nền kinh tế sẽ phải tính đến khả năng vỡ nợ.
Theo Đát Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét