Hồi cuối tháng trước, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam loan báo, tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay chỉ tăng có 0.39 % so với cuối năm ngoái. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 2 năm 2015) thì tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay không những không tăng mà còn giảm 0.69%.
Tiền đang chảy vào ngân hàng rồi chết ở đó. (Hình: TBKTSG) |
Nói cách khác, do kinh tế trì trệ, lãi suất cho vay lại cao, các cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam không còn mặn mà với chuyện vay tiền ngân hàng. Trong bối cảnh như thế, việc cả ngân hàng thương mại lẫn ngân hàng quốc doanh tại Việt Nam vẫn liên tục nâng mức lãi cam kết sẽ trả cho những khoản tiền gửi có kỳ hạn là điều hết sức bất thường.
Trong bài viết có tựa là “Tiền đang chảy đi đâu?,” tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho biết, so với năm ngoái, mức lãi mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam cam kết sẽ trả cho những khoản tiền gửi có kỳ hạn đã tăng 30%!
Ngoài điểm vừa kể, có một điểm đáng chú ý khác là những thông tin mà tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn liệt kê trong bài viết đã dẫn cho thấy. Lãi sẽ tăng rất đáng kể nếu khoản tiền gửi lớn và người gửi chọn kỳ hạn dài.
Còn một điểm đáng chú ý khác nữa là mức lãi dành cho các khoản tiền gửi vào chỉ tăng đối với các ngân hàng của Việt Nam. Yếu tố này không xuất hiện tại những chi nhánh của các ngân hàng ngoại quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
Những điểm đã kể làm bật ra một câu hỏi lớn: Vì sao lại có chuyện kỳ quái như vậy?
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn lý giải, có thể vì Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đang dự tính sửa đổi một thông tư (Thông tư 36) qui định về “tỉ lệ an toàn đối với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.”
Lý do khiến Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam dự trù sửa đổi Thông tư 36 là vì tỉ lệ sử dụng vốn vay ngắn hạn (vốn phải hoàn trả cho người gửi trước 12 tháng) của hệ thống ngân hàng Việt Nam để cho vay trung hạn (cho vay với thời hạn trả đủ vốn từ trên 12 tháng đến dưới 5 năm) và dài hạn (cho vay với thời hạn trả đủ vốn từ 5 năm trở lên) đang tăng.
Ðến cuối năm ngoái, tỉ lệ này là 40%. Nay là bao nhiêu thì không thấy Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam thông báo!
Nói cho dễ hiểu thì trong thời gian vừa qua, cứ 100 đồng mà hệ thống ngân hàng Việt Nam đem cho vay với thời hạn phải hoàn trả là trên một năm thì có tới 40 đồng thuộc loại phải trả đủ cho các cá nhân, tổ chức đã gửi tiền trong vòng dưới một năm. Vậy thì hệ thống ngân hàng Việt Nam lấy tiền từ đâu để trả cả lãi (đang tăng rất nhiều và rất nhanh) trong khi gần như chẳng cho nơi nào vay được và trả vốn khi tiền mượn thì là ngắn hạn mà lại đem cho vay trung hạn và dài hạn?
Từ 2014 đến nay đã có hơn 20 viên chức lãnh đạo các ngân hàng thương mại và quốc doanh bị bắt. Những viên chức này bị cáo buộc là “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng,” với số tiền “thất thoát” là nhiều “ngàn tỉ đồng.”
Viên chức bị bắt gần nhất là ông Phạm Quyết Thắng, cựu tổng giám đốc Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank). Ông Thắng bị cáo buộc đã gây cho GP Bank khoản thiệt hại là 5,500 tỉ đồng.
Chắc chắn ông Thắng chưa phải là viên chức ngân hàng cuối cùng bị bắt. Báo chí Việt Nam cho biết, hiện có ngân hàng đang có chừng 40,000 tỉ cần gom lại mà chưa thu hồi được!
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam liên tục trấn an công chúng Việt Nam là “nợ xấu” (nợ không có khả năng thu hồi) đang giảm kèm cam kết sẽ “tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.” Trong thực tế Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã mua lại vài ngân hàng với giá 0 đồng (thực chất là giữ cho các ngân hàng đã phá sản không phải tuyên bố phá sản) và với tình hình như hiện nay, có thể Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam sẽ còn tiếp tục phải mua một số ngân hàng nữa với giá 0 đồng.
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn phỏng đoán, có thể nợ xấu là lý do chính khiến hệ thống ngân hàng tại Việt Nam phải nâng lãi suất huy động (mức lãi trả cho người gửi tiền) để có tiền bù đắp các khoản thiếu hụt và thiệt hại do nợ xấu gây ra.
Tờ báo này nhận định, khi tiền chảy vào ngân hàng rồi bất động như “tiền chết” nhằm kéo dài sự sống cho những khoản vay đã xấu đến mức có khả năng mất vốn thì cả quốc gia sẽ phải gánh chịu thiệt hại đó. Cũng tờ báo này nêu thắc mắc: “Liệu có công bằng cho người gửi tiền và cho nền kinh tế?”
Chẳng lẽ hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã từng “công bằng” với nền kinh tế? Còn nếu quan tâm đến sự công bằng đối với người gửi tiền thì hình như nên sửa lại để câu hỏi trở thành rõ ràng hơn. Ðó là: Với một hệ thống ngân hàng như hiện nay tại Việt Nam, chừng bao lâu thì những người gửi tiền sẽ mất sạch cả chì lẫn chài. (G.Ð)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét