Ngân hàng thế giới không cho Việt Nam vay tiếp?
Kết quả đáng thất vọng dành cho giới lãnh đạo Việt Nam vừa hiển lộ. Ngày 23/2/2016, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim công du Việt Nam và đã được đến 3/4 trong “tứ trụ” tiếp đón trọng thể, từ Tổng bí thư Trọng, Chủ tịch nước Sang, và Thủ tướng Dũng. Tuy nhiên khác với những lần làm việc với Ngân nhàng thế giới trước đây thường gắn liền với một khoản cho vay tức thời hoặc cam kết cho vay, đã không hiện ra bất cứ một khoản cho vay mới nào từ phía Ngân hàng thế giới vào lần này.
Mặc dù một số tờ báo nhà nước vẫn tuyên giáo về “Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ, ưu đãi lãi suất cho Việt Nam”, thậm chí còn giật tít “Ngân hàng thế giới cam kết cho Việt Nam vay tiền”, nhưng nếu để ý sẽ nhận ra “Chủ tịch Jim Yong Kim nhấn mạnh, để góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công những mục tiêu phát triển tiếp theo, WB cam kết sẽ tìm những nguồn lực khác mang tính ưu đãi để Việt Nam giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế-xã hội” (bài “Công bố Báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ: Phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong 20 năm tới”, báo Quân Đội Nhân Dân; chữ đậm để nhấn mạnh).
Câu hỏi đặt ra là tại sao vào lần này, Ngân hàng thế giới lại tỏ ra “keo” đến thế?
Cần trở lại vài ẩn ý trong thời gian gần đây.
Ngày 5/12/2015, tại Diễn Đàn Đối Tác Phát Triển tổ chức ở Hà Nội về “kế hoạch 5 năm tới của Chính Phủ Việt Nam.”, bà Victoria Kwa Kwa – Giám đốc quốc gia ngân hàng thế giới tại Việt Nam – đã nêu ra một câu hỏi rất hóc búa dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?”.
Và chính Ngân hàng thế giới, vào tháng 12/2015, đã đưa ra một trong những thuyết minh giá trị nhất đối với kế hoạch “tăng trưởng kinh tế cao hơn” của phía chính phủ: Dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.
Quyết định đột ngột trên của ngân hàng thế giới xuất hiện hầu như cùng thời điểm với Diễn Đàn Đối Tác Phát Triển.
Lý do được Ngân hàng thế giới đưa ra: Giai đoạn 2011-2015 là thời kỳ Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình, vì vậy chính sách của Ngân hàng thế giới cũng như nhiều nhà tài trợ khác đối với Việt Nam có sự thay đổi. Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh tốc độ trả nợ đối với hơn 90% các khoản vay hiện hành (tương đương 9.5 tỷ USD) và các khoản vay mới thuộc IDA 17.
Ngân hàng thế giới là một trong những chủ nợ lớn nhất của chính phủ Việt Nam: Chiếm gần 30% nợ vay song phương.
Nhưng vẫn chưa hết.
Tháng 12/2015, Ngân hàng thế giới đã làm nên một hành động chưa từng có: Yêu cầu chính phủ Việt Nam sớm ban hành Luật Lập Hội.
Yêu cầu trên lại xếp hàng đầu trong bản khuyến nghị 7 điểm của Ngân hàng thế giới đối với chính phủ Việt Nam.
“Cần thiết phải soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội. Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của chính phủ” – bà Kwa Kwa “gợi ý.”
Quá khó để có những khoản vay mới, trong khi ngay trước mắt của Nhà nước Việt Nam chỉ là trả nợ, trả nợ và trả nợ!
Nếu đến cuối năm 2016 mà không thể bán được trái phiếu, cũng như chưa bán được một đồng nợ xấu nào cho các đối tác nước ngoài, nhiều khả năng ngân sách Việt Nam sẽ chính thức vỡ nợ.
Không còn cách nào khác, giới lãnh đạo Việt Nam hậu đại hội 12 phải cải cách thể chế, kể cả cải cách chính trị.
Lê Dung / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét