Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Chính phủ đã phải “cắp rổ” đi vay cả trong ngoài nước 116.000 tỷ đồng.

Đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu nên mới đầu năm, để đảm bảo ngân sách nhà nước, Chính phủ đã phải “cắp rổ” đi vay cả trong ngoài nước 116.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Bộ Tài Chính lên kế hoạch quý I/2016 phải vay thêm 25.000-30.000 tỷ từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay khoảng 10.000 tỷ đồng vốn ngoài nước; phát hành khoảng 76.000-81.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ.
Như vậy, tổng số tiền vay mượn trong quý I lên tới 116 nghìn tỷ đồng, mục đích chính là để “trang trải nợ nần”, đầu tư phát triển, chẳng hạn khoảng 50.800 tỷ đồng sẽ để bù đắp bội chi năm 2016; đảo nợ năm 2016 khoảng 23.200 tỷ đồng,...
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, kết thúc năm 2015, nợ công cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, đang tiến sát trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, nợ nước ngoài là 43,1% GDP.
Thẩm tra tình hình thu chi ngân sách 2015, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép, song dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP và có nhiều dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích và làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý.
Theo đó, các khoản phải trả nợ và đảo nợ chiếm hơn 24% trên tổng chi ngân sách, riêng trả nợ là 14,7% tức là tương đương trên 150 nghìn tỷ đồng. Còn lại khoản đảo nợ là 95.000 tỷ đồng.
Việc chi thường xuyên tăng nhanh; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ thì nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%); sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Thành viên Chính phủ cũng xác nhận rằng thu hiện nay không đủ bù chi thường xuyên và trả nợ. Nợ Chính phủ vượt trần, thu không đủ chi thường xuyên và trả nợ.
Xét theo cơ cấu chi tiêu, tỷ lệ chi thường xuyên đã lên đến 80% tổng chi ngân sách, phần còn lại chưa tới 20% dành cho đầu tư phát triển, chưa kể chi trả nợ. “Một cấu trúc ngân sách thiên về “tiêu dùng” hơn “đầu tư” như vậy là hết sức rủi ro” - TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cảnh báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét